Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu năm 2024
Xuất khẩu tôm 2024 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 14% so với 2023. Nhu cầu thị trường tăng về cuối năm nhờ sức mua phục hồi và giảm tồn kho ở Mỹ, EU. Giá tôm xuất khẩu có xu hướng tăng trong nửa cuối năm. Tình hình nuôi tôm, vụ đầu năm khả quan nhờ thời tiết ấm, độ mặn cao, tôm trúng mùa nhưng rồi bị dịch bệnh, nông dân giảm thả nuôi nên doanh nghiệp thiếu nguyên liệu cuối năm.
Trong bối cảnh nhiều thách thức, doanh nghiệp nỗ lực và đã đạt kết quả phấn khởi. Xuất khẩu tôm trong quí IV/2024 bứt phá mạnh mẽ, tăng 23% so với năm 2023 đưa đến kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm đã chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu năm 2024: Tôm chân trắng tăng 8% và chiếm 70,2% kim ngạch; Tôm sú giảm 3% và chiếm 11,5% kim ngạch; các loại tôm khác tăng 71% và chiếm 18,3% kim ngạch. Xuất khẩu tôm khác tăng 71% nhờ các sản phẩm tôm sống/tươi/đông lạnh (chủ yếu là tôm hùm) tăng 127%. Bên cạnh, xuất khẩu sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú chế biến tăng trưởng tốt hơn các sản phẩm tôm tươi/đông lạnh.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu năm 2024
Năm 2024, tôm Việt Nam xuất sang 107 thị trường, tăng hơn năm 2023 chỉ 102 thị trường. Top 5 thị trường tôm chân trắng của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc & Hồng Kông, Hàn Quốc, Australia. Top 5 thị trường tôm sú của Việt Nam là Trung Quốc & Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Đức. Còn Top 5 thị trường chính gồm Trung Quốc & Hồng Kông, Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc chiếm gần 76% tổng kim ngạch.
Thị trường Trung Quốc & Hồng Kông đạt 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023. Cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất sang thị trường này: Tôm loại khác chiếm tỷ trọng cao nhất với 51,7% do Trung Quốc tăng khá mạnh nhập khẩu tôm hùm Việt Nam, tiếp đó tôm chân trắng chiếm 36,1% và tôm sú chiếm 12,2%.
Thị trường Mỹ đạt 756 triệu USD, tăng 11% so với năm 2023. Cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất sang đây: Tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 84,3%, tiếp đó tôm sú 9,3%, còn lại là tôm khác. Tôm sú chế biến tăng mạnh với 67%. Xuất khẩu sang Mỹ tăng tốc dịp cuối năm 2024, do các nhà nhập khẩu lo ngại bị áp thuế nên tăng nhập.
Thị trường Nhật Bản đạt 517 triệu USD, tăng 1% so với năm 2023. Xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng cuối năm nhờ đồng Yên phục hồi. Đối thủ cạnh tranh trên thị trường Nhật Bản là Ấn Độ vướng tai tiếng về sử dụng lao động vị thành niên nên tôm Việt Nam được các nhà nhập khẩu Nhật Bản tìm đến nhiều hơn.
Thị trường EU đạt 484 triệu USD, tăng 15% so với 2023. Cơ cấu sản phẩm tôm xuất sang EU: Tôm chân trắng chiếm 80,6%, tôm sú 12,2%, còn lại là tôm khác. Đức, Hà Lan, Bỉ là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 20-25% kim ngạch tôm vào khối, và đều tăng 2 con số, trong đó Hà Lan tăng mạnh nhất với 22%.
Thị trường Hàn Quốc đạt 334 triệu USD, giảm 3% so với năm 2023, giảm do tồn kho và dân thắt chặt chi tiêu. Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc vẫn đang vướng vấn đề hạn ngạch, các doanh nghiệp phải chịu chi phí không nhỏ để có được hạn ngạch. Ở thị trường này, Việt Nam chiếm thị phần 46%, Trung Quốc đứng thứ hai với 10%, tiếp theo là Peru, Canada.
Năm 2025 với cơ hội, thách thức, dự báo và kiến nghị
Tình hình 5 thị trường hàng đầu đang để lại một số vấn đề cụ thể. Thị trường Trung Quốc & Hồng Công có dấu hiệu cho thấy Ecuador sẽ giảm xuất khẩu sang đây nên là cơ hội cho tôm Việt Nam trong năm 2025. Thị trường Mỹ, tôm Việt Nam đối mặt với 2 vụ kiện CVD và AD. Thị trường Nhật Bản dự kiến quý 1/2025 giảm nhẹ do tồn kho tăng. Thị trường EU, mặt hàng tôm truyền thống phải chịu áp lực cạnh tranh nhưng tôm chân trắng GTGT tăng tốt hơn. Thị trường Hàn Quốc phải thúc đẩy đàm phán để bỏ hạn ngạch và dự kiến năm 2025 sẽ phục hồi nhẹ so với năm 2024.
Cơ hội trong năm 2025: Ngành tôm được Chính phủ quan tâm, diện tích nuôi nhiều. Lợi thế về thuế nhập khẩu tại nhiều thị trường nhờ các FTA. Tôm sinh thái và tôm sú Việt Nam được thế giới quan tâm. Năng lực chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng rất tốt, đảm bảo chất lượng ổn định, sản phẩm đa dạng. Nhu cầu thị trường Trung Quốc & Hồng Công vẫn mạnh và kinh tế Mỹ khả quan hơn trong năm 2025.
Bên cạnh là các thách thức: Cước vận tải có thể vẫn tăng; tiếp tục cạnh tranh với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung. Ở thị trường Mỹ có 2 vụ kiện AD và CVD. Tình hình nuôi tôm vẫn tỷ lệ thành công thấp, giá thành cao; dịch bệnh tôm nuôi phức tạp, chất lượng tôm giống không ổn định, giá thành cao.
Dự báo, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu tôm nguyên liệu trong quý đầu năm 2025. Tiếp tục cạnh tranh với Ecuador, Ấn Độ và xuất sang Mỹ bị ảnh hưởng 2 vụ kiện, thị trường Trung Quốc phục hồi mạnh nhưng giá thấp; Kỳ vọng nhiều hơn ở các thị trường tiềm năng như Australia, Trung Đông, Anh, Hàn Quốc. Trung tháo gỡ bất cập nội tại, xây dựng chuỗi giá trị tốt thì xuất khẩu tôm năm 2025 có thể hướng tới mục tiêu trên 4 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu trên 4 tỷ USD, VASEP kiến nghị: Có các chính sách hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho doanh nghiệp, người nuôi như tạo điều kiện về vốn, giải quyết bất cập liên quan đến chi phí tuân thủ quy định & thủ tục hành chính. Có biện pháp bình ổn các chi phí đầu vào như giá thức ăn nuôi tôm, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống. Được hỗ trợ tích cực các vấn đề liên quan đến thị trường Mỹ như vụ điều tra thuế CVD, thị trường Hàn Quốc như vấn đề hạn ngạch, và xúc tiến thương mại ở thị trường Nhật Bản.
Trong nuôi tôm, đẩy mạnh đánh mã số vùng phục vụ truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành cho việc quản lý và định hướng. Có chính sách đầu tư, khuyến khích nuôi tôm chân trắng, và không quên giữ thế mạnh tôm sú.