Điều kiện địa lý mang lại danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý gồm: Yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác); Yếu tố con người (kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương…). Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp. Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ. Danh sách các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế bao gồm: Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).
Tiềm năng phát triển thủy sản ở nước ta cũng rất lớn nhờ có bờ biển dài và nhiều hệ thống sông ngòi. Hiện nay, nước ta có hơn 600 cơ sở sản xuất thủy sản ở quy mô công nghiệp. Sản lượng thủy sản bao gồm khai thác và đánh bắt đạt hàng triệu tấn. Ngành thủy sản đã vươn lên trở thành ngành mũi nhọn trong nông nghiệp. Đối tượng thủy sản Việt Nam rất đa dạng và có tính đặt thù từng địa phương như ốc hương Khánh Hòa, tu hài, ngán Quảng Ninh, sá sùng Vân Đồn, nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, nước mắm Nha Trang, mắm tôm Hậu Lộc, chả mực Hạ Long... các loài nuôi chủ lực như cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, tôm hùm... Nhưng số lượng loài, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì còn rất ít.
Ốc hương size lớn mang giá trị cao. Ảnh: ST
Hiện nay có hơn khoản 10 sản phẩm thủy sản đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bao gồm:
- Sản phẩm Con ngán, chỉ dẫn địa lý tỉnh Quảng Ninh
- Sản phẩm Sá sùng, chỉ dẫn địa lý huyện Vân Đồn
- Sản phẩm Sò huyết, chỉ dẫn địa lý Ô Loan tỉnh Phú Yên
- Sản phẩm Tôm hùm bông, chỉ dẫn địa lý tỉnh Phú Yên
- Sản phẩm Artemia, chỉ dẫn địa lý Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng
- Sản phẩm Cua biển, chỉ dẫn địa lý tỉnh Bến Tre
- Sản phẩm Tôm càng xanh, chỉ dẫn địa lý tỉnh Bến Tre
- Sản phẩm Cá bỗng (cá dốc), chỉ dẫn địa lý tỉnh Hà Giang
- Sản phẩm Tôm sú, chỉ dẫn địa lý tỉnh Cà Mau
- Sản phẩm Ốc hương, chỉ dẫn địa lý tỉnh Khánh Hòa
- Sản phẩm Cua chỉ dẫn địa lý tỉnh Cà Mau
Cá nâu
Với những gì đạt được, tỉnh Cà Mau hiện đang triển khai thực hiện 01 dự án cấp quốc gia xây dựng chỉ dẫn địa lý sò huyết Cà Mau và 01 dự án cấp tỉnh về chỉ dẫn địa lý cá nâu Mũi Cà Mau. Đối với cá nâu, đây là loài thuỷ sản có khả năng sinh sống và tăng trưởng tốt ở vùng nước mặn, lợ, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau, cũng như sò huyết. Mục tiêu bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thủy sản địa phương là rất cần thiết, tạo cơ sở cho sản xuất bền vững, bảo vệ danh tiếng, giá trị sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Chỉ dẫn địa lý là tài sản mang tính cộng đồng, giá trị của sản phẩm cần được xây dựng bởi cộng đồng và cũng phải được quản lý bởi cộng đồng đó. Do đó, trong quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý cho đặc sản địa phương, vai trò của cộng đồng các nhà sản xuất, kinh doanh rất quan trọng. Mọi tác động dù khách quan hay chủ quan đều có thể dẫn đến sự sai khác so với thực tế dẫn đến khó khăn trong hoạt động quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý sau khi được Nhà nước bảo hộ. Vì vậy, sự tham gia của cộng đồng các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ngay từ đầu sẽ thuận lợi cho quá trình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý sau này.
Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thực chất mới chỉ là giai đoạn đầu tiên. Điều quan trọng là sau khi đăng ký xong, người nông dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các nhà quản lý sẽ duy trì bảo đảm chất lượng để phát triển bền vững sản phẩm này như thế nào, đó mới là chìa khoá then chốt trên hành trình nâng cao vị thế nông sản Việt Nam.