HTX Artemia Vĩnh Châu
Ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Đây là HTX nuôi tôm theo mô hình tuần hoàn khép kín bằng công nghệ sinh học để sản xuất tôm sạch, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Truyền thống của HTX là sản xuất trứng tôm có chất lượng nổi tiếng thế giới: trứng Artemia, nhãn hiệu “7 viên kim cương”, đã xây dựng được chuỗi sản xuất liên kết từ vùng nguyên liệu đầu vào đến thị trường đầu ra. Hiện tại, HTX liên kết 5 HTX khác (4 ở trong tỉnh Bạc Liêu và 1 ở tỉnh Sóc Trăng) với trên 250 ha thực nuôi. Doanh thu hàng năm gần đây, 40 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho trên 300 lao động, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm của HTX được tiêu thụ cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và châu Âu gần 1 triệu USD mỗi năm. Từ năm 2019, HTX mở rộng thêm nuôi tôm công nghệ cao bằng bể tròn khung nổi 500m3.
HTX Nông nghiệp Cái Bát
Ở xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Đây là HTX nuôi tôm tiêu chuẩn ASC, có 15 thành viên với 74 ha, vốn điều lệ 350 triệu đồng và vốn huy động từ thành viên 1,678 tỷ đồng. Từ năm 2014, HTX liên kết với Công ty Minh Phú được Công ty cung cấp 100% giống đạt tiêu chuẩn với giá thấp hơn thị trường 2.000 đồng/kg (giá tôm giống khoảng 100.000 đồng/kg).
Trong quá trình nuôi tôm, Công ty Minh Phú cử cán bộ kỹ thuật xuống ao của từng hộ để hướng dẫn và giám sát quy trình kỹ thuật. Đến vụ thu hoạch, Công ty thu mua tôm của hộ với giá cao hơn giá thị trường khoảng 2.000-3.000 đồng/kg tôm tươi. Đến nay, sự liên kết ngày càng bền chặt, đem lại lợi ích cho cả hai bên.
HTX Thủy sản Tân Phát Lợi
Ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là HTX nuôi tôm quy mô lớn có sản lượng, lợi nhuận cao với diện tích 500 ha, sản lượng 180 tấn, hàng năm trung bình mỗi thành viên thu 550 triệu đồng. Các năm qua, HTX ký hợp đồng liên kết với Công ty Cổ phần Thủy sản Cà Mau. Các thành viên tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất, đảm bảo sản phẩm thơm ngon, màu đỏ hồng tự nhiên, thịt tôm khô và dẻo, vị ngọt đậm đà.
Trong chế biến sản phẩm tôm, HTX đầu tư phương tiện máy móc hiện đại đáp ứng yêu cầu sản xuất đạt tiêu chuẩn tiên tiến, từ các khâu rửa, luộc, sấy, đập vỏ, máy ra bóng đến đóng gói hút chân không. Các thành viên thực hiện điều khoản hợp đồng liên kết với doanh nghiệp chặt chẽ nên hàng năm ổn định lợi nhuận cho hai bên.
HTX Dịch vụ Tôm cua lúa Thạnh An
Ở xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Trong 4 vụ sản xuất vừa qua, HTX ký kết sản xuất tôm-lúa hữu cơ với công ty, đời sống của các thành viên khá lên rõ rệt. Sản phẩm tôm-lúa hữu cơ được bao tiêu với giá ổn định. Qua 4 vụ, số thành viên HTX tăng từ 13 lên 61, diện tích tăng từ 20 ha lên gần 130 ha.
Ngoài lợi ích kinh tế được bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ với mức giá ổn định, việc canh tác tôm-lúa hữu cơ còn giúp bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Bên cạnh, mô hình còn cải tạo chất lượng thổ nhưỡng, đã duy trì ổn định năng suất lúa và tăng năng suất tôm.
Trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm nuôi cùng nhau, mở rộng diện tích đáp ứng đủ nhu cầu thị trường hiện nay
HTX Thủy sản Hưng Phú
Ở xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Với diện tích nuôi tôm 125 ha theo tiêu chuẩn ASC, sản lượng 750 tấn/năm, HTX ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dài hạn với Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX), được bao tiêu đầu ra, giá tốt. Từ thành công nội bộ, HTX mở rộng thu mua tôm nguyên liệu với các hộ nuôi lân cận, hỗ trợ việc xét nghiệm tôm nguyên liệu.
Mở rộng chế biến tôm khô, cá khô của HTX đã đưa sản phẩm đến nhiều cửa hàng OCOP, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Trong đó, nổi tiếng nhất là “Tôm một gió”, sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh và là sản phẩm OCOP duy nhất thuộc nhóm thuỷ sản được xếp hạng vinh dự này. Bên cạnh, HTX còn chuyển đổi một phần diện tích nuôi tôm chuyên canh sang nuôi tôm kết hợp nuôi cá, phục vụ du lịch sinh thái, đang tăng thêm giá trị khi liên kết với các công ty du lịch.
HTX Tôm lúa Ba Đình
Ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Hông Dân, tỉnh Bạc Liêu. Hiện nay, HTX là một trong những đơn vị tiên phong xây dựng mô hình “ Lúa thơm - Tôm sạch” ở huyện Hồng Dân.
Từ đầu năm 2022 đến nay, HTX phát triển mới gần 100 thành viên, nâng tổng số lên gần 200 thành viên; về diện tích tăng hơn 500 ha lúa Một bụi đỏ Hồng Dân, ST24, ST25 để có gần 1.000 ha canh tác. HTX đã liên kết 15 lĩnh vực dịch vụ sản xuất - kinh doanh, gồm 9 dịch vụ tại chỗ và 6 dịch vụ với các doanh nghiệp. Từ đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của HTX hàng năm đạt hiệu quả khá, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, giảm được chi phí đầu vào về giống lúa, tôm, thức ăn, phân bón một năm hàng tỷ đồng cho các thành viên để nâng cao lợi nhuận.
HTX Nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải
Ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Thành lập năm 2019 với 15 thành viên và diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng gần 88 ha liên kết cung cấp tôm cho Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Bạc Liêu. Các thành viên HTX đầu tư hồ tròn nổi lót bạt nuôi tôm trên cạn, công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASC. Hiện nay, HTX có 8 hồ, mỗi hồ 600m3 được che lưới toàn bộ khu vực nuôi, hạn chế tác động từ ánh nắng mặt trời đến quá trình sinh trưởng của tôm.
Để đạt tiêu chuẩn ASC, HTX nuôi khép kín, quản lý theo chương trình “3 sạch”: tôm giống sạch bệnh, nước sạch, đáy ao sạch. Mật độ thả nuôi dày nhưng không dùng kháng sinh, quản lý được thức ăn và môi trường nên sản phẩm tôm thực sự sạch. Nước thải nuôi tôm được bơm qua các ao lọc khác nhau có nuôi cá, cua, còn nước mặt sau lắng sẽ chảy qua ao khác và HTX xử lý trước khi sử dụng lại để nuôi tôm.
Tỷ lệ thành công trên 90%, năng suất tôm cao gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống. Sản lượng tôm hàng năm của HTX từ 700 - 1.000 tấn, lợi nhuận bình quân trên 5 tỷ đồng/ha. Doanh thu dịch vụ của HTX hàng năm đạt 110 triệu đồng.
HTX Dịch vụ Sản xuất Tôm lúa Trí Lực
Ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Hiện nay, HTX có 15 thành viên và trên 200 hộ dân liên kết sản xuất tôm-lúa chất lượng cao với Công ty Cổ phần Dịch vụ và Chế biến Thủy sản Cà Mau (CASES). Sản phẩm lúa hữu cơ, tôm sinh thái của HTX đã góp phần tích cực đưa xã Trí Lực trở thành vùng trọng điểm sản xuất tôm - lúa hữu cơ của tỉnh Cà Mau.
Đây là mô hình được đánh giá phù hợp vùng ven biển, thích ứng cao với xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL hiện nay và tương lai.