Đối diện chứ không đối phó
Ngày 27/2/2025, Phó trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU Phùng Đức Tiến họp tại tỉnh Phú Yên với lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố miền Trung từ Huế đến Ninh Thuận bàn việc đón Đoàn Thanh tra EC. Ông Tiến nhấn mạnh, đây là thời cơ vàng để Việt Nam gỡ “thẻ vàng”, do đó quyết tâm hành động, đối diện chứ không đối phó nhằm đạt được kết quả đã nỗ lực hơn 7 năm qua, xây dựng một ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm.
Thủy sản Việt Nam bị EC áp “thẻ vàng” từ ngày 23/10/2017, cảnh báo tình trạng khai thác IUU. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực khắc phục được ghi nhận. Tuy nhiên, EC còn khuyến nghị 4 vấn đề sẽ tập trung làm việc trong đợt thanh tra này. Một là công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, giám sát tàu cá hoạt động trên biển và sản lượng tại cảng. Hai là kiểm soát nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu vào Việt Nam. Ba là truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Bốn là thực thi pháp luật, đặc biệt là kiểm soát tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.
Để thực hiện đầy đủ 4 khuyến nghị, cần quan tâm đầu tư hệ thống thiết bị, con người, cơ sở vật chất đầy đủ cho các cảng cá và phối hợp đồng bộ cả hệ thống chính trị trong việc xử lý hành vi khai thác IUU. Hoàn thiện việc đăng ký, đăng kiểm và cấp phép cho toàn bộ tàu cá, đảm bảo dữ liệu được cập nhật đầy đủ vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra vào cảng của tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng để đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Các hành vi vi phạm IUU, dù nhỏ, cũng phải xử lý nghiêm. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là Hệ thống giám sát tàu cá (VMS) và Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT).
Hải Phòng sẽ xử lý cán bộ lơ là chống khai thác IUU
Ở phía Bắc, UBND thành phố Hải Phòng có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai hiệu quả công tác chống khai thác IUU.
Theo đó, Sở NN&MT tháng 3/2025 phải hoàn tất việc cấp giấy phép khai thác thủy sản và cập nhật thông tin tàu cá vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Công an thành phố chỉ đạo lực lượng cơ sở tại các địa phương có tàu cá hoạt động, nắm tình hình và xác định nơi ở của chủ tàu cá mất tích hoặc có giấy tờ hết hạn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố ưu tiên nguồn lực cho các đồn, trạm kiểm soát biên phòng, đảm bảo kiểm tra 100% tàu cá xuất, nhập bến. Các địa phương quan tâm nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá.
Xử lý nghiêm cán bộ lơ là chống khai thác IUU. Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm nếu để phát sinh tàu cá “3 không”. Sở NN&MT được giao đề xuất xử lý cán bộ, công chức không thực hiện xác minh, xử lý các vụ việc khai thác IUU được phát hiện theo thẩm quyền hoặc không chuyển hồ sơ cho cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Kiên Giang xử lý dứt điểm các vi phạm
Ở địa phương có ngư trường rộng và đội tàu cá lớn nhất nước, UBND tỉnh Kiên Giang vừa yêu cầu các lực lượng chức năng xử lý dứt điểm hành vi vi phạm, ngắt kết nối, gửi vận chuyển thiết bị giám sát hành trình và các trường hợp vượt ranh giới cho phép trên biển; khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ năm 2024 đến nay. Kết quả công khai lên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Cụ thể, cập nhật đầy đủ thông tin tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), hoàn thành trong tháng 3/2025. Thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác và hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT). Có dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng cá trọng điểm phục vụ chống khai thác IUU.
Kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến, nhất là tàu cá “3 không”, xử lý vi phạm việc lắp thiết bị giám sát hành trình và vượt qua vùng được phép khai thác hải sản trên biển được phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá từ đầu năm 2024 đến nay. Điều tra, khởi tố vụ việc liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; ngắt kết nối, gửi vận chuyển thiết bị giám sát hành trình.
Cà Mau phạt tù 12 người giấu thiết bị giám sát hành trình
Ở cực Nam, ngày 19/2/2025, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xử sơ thẩm đã phạt tù 12 người giấu thiết bị giám sát hành trình tàu cá, người nặng nhất với 10 năm tù. Đây là vụ án “Gây rối loạn hoạt động của phương tiện điện tử”.
Theo cáo trạng, ông Sang có nghề thuyền trưởng tàu cá, đã thuê tàu cá CM-08710-TS để cất giữ các thiết bị giám sát hành trình của những tàu cá khác ra nước ngoài khai thác, nhằm thu lợi bất chính. Cùng ông Sang làm việc phi pháp có ông Huỳnh Văn Sơn, đều ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Còn 10 thuyền trưởng gửi thiết bị giám sát hành trình để đưa tàu cá ra nước ngoài khai thác, đều ở tỉnh Kiên Giang.
Cụ thể, ông Sang cất giữ thiết bị giám sát hành trình của tàu cá với 5 thuyền trưởng là Lương Văn Hùm, Mai Văn Hải, Trần Văn Khánh, Lê Trường Giang, Trần Minh Dương với thời gian trên 168 giờ; còn 5 thuyền trưởng là Mai Thành Tân, Trần Văn Vị, Nguyễn Toàn Trung, Lương Văn Cảnh, Võ Văn Tựu với thời gian dưới 168 giờ. Từ tháng 9/2024 đến 4 giờ ngày 17/10/2024, ông Sang và Sơn cất giữ 9 thiết bị giám sát hành trình nhưng chưa thu được tiền công thì bị bắt cùng tang vật.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng đến công tác chống khai thác thủy sản IUU. Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 287 của Bộ luật Hình sự, về tội “Gây rối loạn hoạt động của phương tiện điện tử”, tuyên phạt ông Sang 10 năm tù; Sơn 6 năm tù. Nhóm 5 thuyền trưởng ra nước ngoài trên 168 giờ, bị phạt mỗi người từ 5 - 8 năm 6 tháng tù. Nhóm 5 thuyền trưởng ra nước ngoài dưới 168 giờ, bị phạt từ 3 - 4 năm 6 tháng tù.