Đêm nhớ đời
Qua ánh sáng cực mạnh của dàn đèn cao áp, ông Chín Bình trông thấy những vật đen đen to như khạp da bò đang lờn vờn dưới mặt biển. Lệnh bất ngờ phát ra “ngưng kéo”. Ngay tức khắc, 2 ngư dân mang đồ bảo hộ lặn xuống biển. Chừng 3 phút hơn, họ ngoi lên mặt rạng ngời “Ngon rồi anh Chín ơi, cả trăm con đang tìm cách thoát thân”. Trên boong tàu, dàn ngư phủ hơn 10 người hì hục kéo lưới. Khi lưới nằm gọn trên ghe, đếm tới đếm lui chưa đầy 20 con cá ngừ đại dương, Chín Bình bực cả đêm không ngủ. Không một mẻ lưới nào tuôn xuống biển từ đó cho tới sáng. Mặt trời nhô khỏi mặt biển đêm, ông Chín lệnh cánh ngư phủ soạn lại dàn lưới, phát hiện nhiều lỗ thủng to như lu chứa nước mưa. Ngẫm nghĩ một hồi Chín Bình tặc lưỡi “lưới mình chịu đời không thấu với tụi nó”.
Kể từ ngày tập tành theo cha đi biển, đến nay đã hơn 40 năm, có lẽ đó là đêm đánh cá để lại ấn tượng nhiều nhất với ông Chín Bình. Đêm cuối tháng 5 âm lịch năm 2012. Sau nhiều ngày khởi hành từ cửa biển Sông Đốc, 3 chiếc tàu cá (1 chiếc lưới vây và 2 chiếc chong đèn) của Chín Bình cũng tới được vùng biển nước sâu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để khai thác cá ngừ đại dương.
Tuy mẻ lưới đầu không thành công nhưng ông Chín kịp cho vá lại lưới để thu về cả trăm con cá ngừ to đùng những ngày sau đó. Ngồi thuật lại câu chuyện, ông Chín không giấu được niềm vui pha lẫn chút tiếc nuối. Ông Chín khẳng định: “Cá ngừ rất nhiều nhưng lưới sợi quá nhỏ nên cá phá lưới tuồn ra ngoài. Vậy nên, chuyến biển ròng rã 2 tháng trời mà chỉ thu được hơn 11 tấn cá ngừ đại dương (bán hơn 800 triệu đồng), trừ chi phí còn lời hơn 200 triệu”.
Cùng tham gia chuyến biển ấy còn có người em ruột của ông Chín là Út Hưng (Huỳnh Thanh Hưng, khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Cùng dẫn 3 tàu khai thác như Chín Bình nhưng Út Hưng huề vốn vì “nhát giò”. Đề cập đến chuyện không lời, Út Hưng thú thiệt: “Ngư trường còn mới mẻ nên tàu của tôi khai thác vùng biển cạn hơn, thu toàn cá ngừ sọc dưa (loại cá ngừ nhỏ chừng vài ký/con), giá trị thấp trong khi hao tốn nhiều nhiên liệu nên không có lời. Phải chi nghe lời mạo hiểm như ảnh (Chín Bình), chịu khó vá lưới thì ngon rồi”. Giữa tháng 7 âm lịch năm 2012, đoàn tàu cá của Chín Bình cập cảng Sông Đốc trong niềm vui hồ hởi của cánh ngư phủ sau 2 tháng ròng rã trên biển. Ngoài số tiền lời như nêu trên, Chín Bình còn mang về gần 10 con cá ngừ loại lớn (từ 50 - 70kg/con) làm tiệc đãi bà con địa phương. Ngư dân sở tại cũng một phen “say mồi” vì lần đầu tiên thưởng thức hương vị cá ngừ vùng biển nước sâu được thái mỏng ăn với mù tạt. Sau lần ấy, một số ngư dân gán luôn cho Chín Bình biệt danh “ông Chín cá ngừ”.
Ông Chín Bình (đứng) và bà con tu sửa lại dàn lưới chuẩn bị ra khơi.
Quyết bám Trường Sa
Sau lần thành công ấy, Chín Bình và bạn tàu nuôi chí trở lại ngư trường Trường Sa. Một số bạn bè, sui gia với ông Chín ủng hộ nhiệt tình và theo bước ra Trường Sa. Song, để đánh bắt hiệu quả cao, Chín Bình phải chờ qua mùa mưa bão và nghiên cứu cải tạo lại dàn lưới bắt cá. Những ngày cuối tháng 2-2013, Chín Bình chuẩn bị dẫn đầu 5 chủ tàu ra Trường Sa khai thác cá ngừ đại dương.
Ông Chín Bình cho hay, chuyến biển dịp Tết Quý Tỵ, tàu cá của ông lời hơi “mỏng” (trên 100 triệu đồng) vì ngư trường biển Cà Mau cá tôm không còn nhiều. Do vậy, tranh thủ ghe vừa cập bến sau tết, ông thuê lao động vá lại mấy dàn lưới để kịp chuyến khai thác cá ngừ vùng biển nước sâu sắp tới. Ông Chín trăn trở: Vùng biển Trường Sa của nước ta giàu thủy sản, đặc biệt rất nhiều cá ngừ loại lớn, giá trị cao nhưng khai thác bằng cách câu thì ngư dân miền Trung giỏi chứ dân trong Nam quen nghề lưới. Song, lưới bắt cá ngừ cả trăm ký/con phải là sợi to như đầu đũa ăn cơm, mắt lưới lớn hơn mới được. Mỗi tàu đầu tư 2 dàn lưới (1 dàn để dự phòng) tốn không dưới 4 tỷ đồng, vượt khả năng tài chính của gia đình.
Cùng quyết tâm tham gia chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương với Chín Bình lần này, ông Trần Văn Chiến, ngư dân Cà Mau tâm sự: “Chỉ tính dầu từ Sông Đốc đến tọa độ khai thác cá ngừ ở Trường Sa một lượt đi đã gần 3.000 lít. Nếu chuẩn bị không tốt, khả năng huề hoặc thua lỗ rất cao. Song, không mở rộng ngư trường, đánh bắt quanh quẩn vùng biển cạn ở Cà Mau thì hải sản cũng không có nhiều như trước, chuyến trúng chuyến thất. Nếu được nhà nước hỗ trợ làm dàn lưới, chúng tôi sẽ tự tin nhiều hơn”.
Theo ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau: “Chi cục đã làm đề án hỗ trợ thí điểm 29 phương tiện khai thác xa bờ ở Sông Đốc theo Quyết định 48 của Chính phủ. Theo đó, ngư dân khai thác xa bờ sẽ được hỗ trợ thêm tiền dầu, bảo hiểm, rủi ro, máy thông tin liên lạc… với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. UBND tỉnh Cà Mau chấp thuận và cũng trình lên Bộ Tài chính nhưng đến nay vốn hỗ trợ chưa về. Riêng việc hỗ trợ dàn lưới khai thác cá ngừ thí điểm ở Trường Sa, đơn vị đang chờ phản hồi của Sở KHCN.
Cà Mau hiện có trên 4.900 tàu khai thác, riêng tại thị trấn Sông Đốc hơn 1.300 tàu (phần lớn là tàu cá công suất lớn) khả năng khai thác xa bờ hàng tháng trên biển. Ngư dân Đất Mũi đang hăm hở vươn ra Trường Sa bám biển, vừa khai thác nguồn lợi hải sản, vừa bảo vệ biển đảo quê hương.