Có lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản nhờ vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú từ sông Mê Kông, nhưng Sóc Trăng cũng gặp nhiều khó khăn khi bị tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo các nghiên cứu, khu vực ven biển của tỉnh đang chịu áp lực đáng kể của các vấn đề môi trường, bao gồm cả việc mất nhanh chóng vùng đất ngập nước ven biển do sự mở rộng không theo quy hoạch của trang trại nuôi tôm, ô nhiễm nguồn nước do chất thải công nghiệp và sinh hoạt, suy thoái rừng ngập mặn, xâm nhập mặn do nước biển dâng… Theo dự đoán, sự suy thoái ở vùng biển có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp biển như nuôi trồng thủy sản, lúa gạo, bởi những ngành công nghiệp này chiếm khoảng 80% kinh tế Sóc Trăng, vì vậy việc quản lý bền vững và bảo tồn vùng ven biển được xem là nhiệm vụ cấp thiết của tỉnh. Ông Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Trần Đề, cho biết: “Đầu tiên là chúng tôi tuyên truyền, khuyến cáo người dân đúng theo kích cỡ mắt lưới quy định và từng bước chuyển từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ để hạn chế việc hủy diệt nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tuyên truyền người dân không sử dụng các chất độc, chất hóa học trong đánh bắt; Ngăn cấm các hình thức đánh bắt bằng xung điện, vận động bà con vùng ven biển tham gia trồng và bảo vệ rừng ngập mặn để bảo vệ hệ sinh thái biển”.
Từ năm 2011-2013, Quỹ Yeosu Foundation (Hàn Quốc) đã cung cấp kinh phí cho tỉnh thực hiện kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết quả đã cung cấp những chương trình hành động tổng hợp, có hiệu quả trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh. Năm 2015, thông qua các cuộc khảo sát, phân tích khoa học và hệ thống các hệ sinh thái và chất lượng nước, Quỹ Yeosu đã công nhận sự cấp thiết của việc bảo vệ các khu vực ven biển của tỉnh Sóc Trăng. Do đó, Quỹ đồng ý cấp kinh phí nghiên cứu cho Công ty quản lý Môi trường Biển của Hàn Quốc KOEM trong 2 năm để khảo sát, phân tích các hệ sinh thái ven biển và chất lượng nước ở Sóc Trăng. Dự án sẽ giúp tỉnh tăng cường năng lực trong việc tiến hành khảo sát hệ sinh thái bờ biển và quan trắc chất lượng nước. Điều này có ý nghĩa rất đặc biệt vì những năm gần đây, tỉnh có rất ít công trình khảo sát vấn đề này.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Công ty quản lý môi trường biển Hàn Quốc, Quỹ Yeosu Foundation với Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh vào tháng 8/2015, theo đó, dự án “Nghiên cứu hệ sinh thái ven biển, khảo sát và phân tích chất lượng nước tại tỉnh Sóc Trăng” được thực hiện từ tháng 7/2015 đến giữa năm 2017, tổng kinh phí thực hiện 200.000.000 won, được phân bổ cho các hoạt động của chuyên gia được KOEM gởi đến để phân tích, khảo sát chất lượng nước và hệ sinh thái; hoạt động tập huấn cũng như cung cấp thiết bị quan trắc môi trường nước, kính hiển vi để phục vụ cho quá trình triển khai dự án. Cùng với đó, vị trí chính để nghiên cứu, khảo sát, phân tích hệ sinh thái và chất lượng nước là khu vực ven biển của tỉnh. Đặc biệt tập trung tại xã Trung Bình, huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Ông Trần Văn Thanh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “ Dự án YeoSu do Hàn Quốc tài trợ nhằm trợ giúp chúng ta khảo sát, đánh giá hệ sinh thái cũng như chất lượng nước của tỉnh. Trong đó bao gồm cả khảo sát hệ sinh thái động vật đáy, động vật nổi. Trên cơ sở đó đưa ra bản đồ đánh giá hiện trạng, làm căn cứ đề xuất kế hoạch chiến lược về quản lý hệ sinh thái và chất lượng nước ở Sóc Trăng”.
Phối hợp thực hiện Dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cử người cùng tham gia với Quỹ Yeosu và KOEM tiến hành các hoạt động dự án như chuẩn bị các thủ tục cần thiết cho các cuộc khảo sát và phân tích thực địa; nhận chuyển giao công nghệ và sản phẩm dự án, tiến hành khảo sát các vị trí của dự án và phân tích định kỳ 2 tháng 1 lần. Đối với việc thực hiện dự án, KOEM và Sở sẽ có nhóm nghiên cứu chung. Đội KOEM sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho đội Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc nghiên cứu tại các vị trí của Sóc Trăng. Đối với sự hỗ trợ kỹ thuật, đội ngũ KOEM sẽ đến Sóc Trăng làm việc với nhóm nghiên cứu của Sở về hệ sinh thái và khảo sát chất lượng nước ít nhất 2 lần 01 năm. Theo đó, Sở sẽ hỗ trợ trang thiết bị nghiên cứu cần thiết cho việc điều tra hiện trường và cung cấp các công cụ để phân tích mẫu. Trên tinh thần của Bản ghi nhớ được hai bên ký kết, tháng 11/2015, Công ty Quản lý môi trường biển KOEM đã đến khảo sát hệ sinh thái biển và chất lượng nước, thông qua việc thu mẫu động vật đáy, động vật nổi và chất lượng nước tại một số điểm thuộc rừng phòng hộ, bãi bồi và vùng ven biển tại huyện Cù Lao Dung và Trần Đề, bàn giao thiết bị đo đa chỉ tiêu chất lượng nước AAQ RINKO cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Đây là thiết bị nhỏ gọn, khá tiện dụng trong việc đo đạc các chỉ số của mực nước biển như độ sâu, nhiệt độ, độ mặn, nước đục, cùng nhiệt độ tốt, oxy hòa tan, độ pH, góp phần nâng cao năng lực quản lý hệ sinh thái ven biển của tỉnh.
Công tác khảo sát và lấy mẫu phân tích chất lượng nước vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên biển phong phú và đa dạng, đã tạo điều kiện cho các ngành kinh tế biển phát triển, cùng với đó là một lượng lớn chất thải, hóa chất ngư dân sử dụng trong quá trình khai thác, làm biến động, thay đổi hệ sinh thái ven bờ, tác động đến môi trường tự nhiên ven biển, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản và suy giảm khả năng bảo vệ của hệ thống rừng phòng hộ. Chính vì thế, việc nghiên cứu hệ sinh thái, khảo sát và phân tích chất lượng nước để qua đó đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng của môi trường, từ đó có biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ những tổn thất, tạo môi trường sống cho các loài thủy hải sản, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên ven biển. Ông triệu Văn Khải ở ấp Mỏ ó, xã Trung Bình, cho biết: “Trong quá trình đánh bắt nếu chúng ta sử dụng đúng kích cỡ lưới thì sẽ hạn chế được tình trạng thu gom nhiều cá nhỏ. Ngoài ra, ngư dân cũng phải luôn có ý thức bảo vệ môi trường biển như: không xả rác hay xả dầu trên biển…thì nguồn tài nguyên biển mới không bị cạn kiệt”
Hạn chế sử dụng các dụng cụ đánh bắt mang tính hủy diệt, thiết lập hệ thống rừng phòng hộ ven biển cùng các Dự án nghiên cứu, khảo sát và phân tích chất lượng nước là những giải pháp tổng thể để tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch chiến lược bảo vệ hệ sinh thái, hướng đến phát triển nguồn tài nguyên biển, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với môi trường./.