Ký sinh trùng là gì?
Ký sinh trùng, một sinh vật sống ký sinh trên một sinh vật sống khác (con người, thực vật, động vật) hay còn gọi là ký chủ. Chúng sống phụ thuộc hoàn toàn vào ký chủ để tồn tại phát triển và sinh sôi. Do đó, ký sinh trùng hiếm khi giết chết ký chủ, nhưng nó có thể là nguồn lây lan bệnh tật, và một vài trong số này có thể gây tử vong cho ký chủ.
Ở tôm, khi ký sinh trùng vào được cơ thể chúng sẽ bám vào thành ruột, gây tổn thương ruột, tắc nghẽn ruột, đặc biệt là gây tổn thương niêm mạc ruột tạo cơ hội cho vi khuẩn có hại xâm nhập gây ra nhiều bệnh trên tôm. Trong đó, ký sinh trùng nội bào (nội ký sinh trùng), sống ký sinh trong cơ thể tôm là loại có nhiều loài gây hại cho tôm như: Haplospora, Gregarine,…
Một số loài ký sinh trùng thường gặp ở tôm
Vi bào tử trùng
Tác nhân gây bệnh do vi bào tử trùng được xác định là do ký sinh trùng có tên là Enterocytozoon hepatopenaei (EHP). EHP thường ký sinh trong gan, tụy tôm và nhân lên trong tế bào chất của biểu mô ống gan, tụy, cản trở tôm hấp thụ chất dinh dưỡng và dẫn đến tình trạng tôm còi cọc, chậm lớn, suy giảm sức đề kháng. EHP không gây chết hàng loạt ở tôm, tuy nhiên làm giảm năng suất thu hoạch đáng kể, gây thiệt hại về kinh tế. Tôm nhiễm bệnh vi bào trùng tử sẽ có kích cỡ không đồng đều, tăng trưởng chậm, chỉ đạt từ 10 – 40% so với tôm ở các ao không nhiễm bệnh. Kèm theo đó là một số biểu hiện như tôm mềm vỏ, chết rải rác, giảm ăn và rỗng ruột. Màu sắc tôm sẽ có thể chuyển sang trắng đục hay màu sữa.
Triệu chứng tôm bị nhiễm EHP
Phòng ngừa: Để phòng ngừa bệnh do ký sinh trùng EHP gây ra đó chính là phòng ngừa từ cơ sở nuôi tôm bố mẹ, trại sản xuất giống bằng cách kiểm soát tốt thức ăn được dùng, xử lý diệt khuẩn thường xuyên và xét nghiệm PCR tôm bố mẹ trước khi xuất giống.
Ký sinh trùng gan tụy (HPH)
Haplosporidian infections, Hepatopancreatic haplosporidiosis là nhóm ký sinh trùng gây bệnh trên gan tụy tôm. Các dấu hiệu tổng thể của tôm nhiễm bệnh haplosporidian bao gồm: sự co lại của gan tụy, cơ thể nhợt nhạt, sắc tố melanin ở tế bào biểu bì đi kèm với tôm chậm lớn, tăng trưởng chậm, FCR tăng cao.
Phòng ngừa: Với các nước nhập khẩu tôm giống, tôm bố mẹ hoặc tôm sống cần thực hiện phân tích mẫu tôm để loại bỏ và tránh sự lây lan của mầm bệnh này trên tôm nuôi ở địa phương. Xét nghiệm PCR tôm post đối với các bệnh: EMS, đốm trắng, EHP… và kiểm tra ký sinh. Chuẩn bị ao nuôi thật kỹ sau mỗi vụ nuôi. Xử lý bằng Chlorine với hàm lượng cao hoặc vôi sống trong quá trình cải tạo ao trước khi thả.
Ký sinh trùng Vermifrom và Gregarine
Ký sinh trùng Gregarine hay còn được gọi là ký sinh trùng hai roi, thường xuất hiện trong đường ruột của tôm bị phân trắng khi kiểm tra bằng kính hiển vi. Phân trắng là bệnh khá phổ biến ở tôm và thường xuất hiện từ ngày nuôi thứ 40 trở đi. Tôm nhiễm bệnh do ăn phải các vật chủ trung gian như: Hai mảnh vỏ, giun nhiều tơ nhiễm gregarine hoặc bào tử của chúng.
Khi ký sinh trong đường ruột của tôm, Gregarine sẽ gây tổn thương các biểu mô, tắc nghẽn ruột, tổn thương niêm mạc ruột dẫn đến hiệu quả hấp thu dinh dưỡng của tôm kém, tôm giảm ăn hoặc nếu bệnh nặng có thể bỏ ăn.
Dấu hiệu nhận biết, tôm xuất hiện các sợi phân trắng nổi trên mặt nước ao nuôi. Tôm bị mềm vỏ, chậm lớn, màu sậm bất thường. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy ống ruột tôm bị đứt quãng hoặc trống rỗng. Tôm bệnh phân trắng không chết hàng loạt, tuy nhiên sẽ gây nhiều ảnh hưởng về năng suất tôm thu hoạch. Vermifrom không phải là sinh vật, không phải là giun sán trong gan tụy hay đường ruột mà là biểu hiện của các tế bào biểu mô gan tụy bị hoại tử bong tróc, một dạng bệnh lý tổn thương gan tụy. Vermifrom xuất hiện làm giảm tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, đồng thời nhiễm bệnh cơ hội khác, nếu bị nặng có thể gây phân trắng.
Phòng ngừa: Gregarines có vật chủ trung gian là nhuyễn thể (như ốc, hến, trai…) để hoàn tất vòng đời của chúng; theo đó, cần loại bỏ những vật trung gian này ra khỏi ao nuôi để ngăn ngừa dịch bệnh. Xét nghiệm PCR tôm post đối với các bệnh: EMS, đốm trắng, EHP… và kiểm tra ký sinh. Xử lý bằng Chlorine với hàm lượng cao hoặc vôi sống trong quá trình cải tạo ao trước khi thả.