Theo tìm hiểu của chúng tôi, hơn 10 năm trước, trên địa bàn thôn Mỹ Hiệp chỉ có bốn, năm hộ “manh nha” trồng thử cây rong sụn. Chỉ đến năm 2013, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội và Tỉnh hội, Hội Nông dân xã Thanh Hải đã hỗ trợ cho mỗi hộ vay từ 15 - 20 triệu đồng để mở rộng vùng sản xuất, vừa góp phần nâng cao thu nhập, vừa đảm bảo môi trường sinh thái biển.
Từ đó đến nay, cây rong sụn đã không ngừng phát triển, hiện tại trên địa bàn thôn Mỹ Hiệp đã có 72 hộ trồng với diện tích trên 25ha. Anh Trần Thiện Hải, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Mỹ Hiệp cho hay, nghề chính của bà con nơi đây vẫn là đi biển, đánh bắt hải sản. Từ năm 2013, khi ngư dân bắt đầu phát triển nghề trồng rong sụn, để khuyến khích tăng diện tích trồng, và giúp hiểu rõ về cây trồng này, Chi hội Nông dân thôn đã thành lập Câu lạc bộ Rong sụn để tập hợp bà con sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm… Ngoài ra với tập tục sản xuất truyền thống, bà con ở đây cho ra đời mô hình “vòng đổi công”, những hộ làm lân cận giúp đỡ lẫn nhau trong các khâu từ trồng đến chăm sóc, thu hoạch nhằm tiết kiệm kinh phí thuê nhân công, đồng thời tăng hiệu quả công việc.
Trồng rong sụn theo phương pháp mới, nông dân phải làm giàn căng dây để giữ cây rong luôn ở vị trí nằm gần mặt nước, qua đó lợi dụng sự dao động của sóng bề mặt, giúp “tẩy” và “thổi” các tạp chất hoặc các loại ký sinh biển không bám vào thân, làm cho thân cây luôn sạch, giữ màu sắc trong quá trình tăng trưởng. Cùng với đó, dùng lưới bao quanh giàn căng để phòng ngừa các loại cá gần bờ ăn rong, đảm bảo năng suất. Thường thì mỗi năm nông dân chỉ trồng 1 vụ, từ tháng 8 âm lịch đến tháng 2 âm lịch năm sau. Sau khi thu hoạch, giá rong sụn khô, sạch được thương lái mua từ 22 - 25 ngàn đồng/kg, rong sụn tươi từ 4 - 5 ngàn đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Được (thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải) cho biết, gia đình đã trồng rong sụn “thâm niên” 10 năm, tuy đây chỉ là nghề phụ khi “biển giã” thất thu, nhưng chỉ với diện tích trồng 1ha, hằng năm trừ chi phí đầu tư gia đình bà thu được nguồn lợi trên trăm triệu đồng. Đánh giá về hiệu quả của cây rong sụn đối với địa phương, ông Đỗ Mỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hải cho biết: Thời gian qua cây rong sụn đã giúp ngư dân có thêm thu nhập, là "cây hái ra tiền" cho bà con ngư dân khi bước vào vụ cá bấc mỗi năm, góp phần đáng kể tạo việc làm cho bà con. Để mở rộng diện tích, đồng thời khai thác tốt tiềm năng sẵn có của địa phương, xã sẽ khuyến cáo ngư dân trồng, nhưng phải theo mùa vụ cụ thể.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thiện Hải, thì “vướng” nhất là gần đây giá rong sụn liên tục bị “trôi nổi” trên thị trường, nguyên nhân chính là do thương lái ép giá. Để giải quyết tình trạng trên, Câu lạc bộ của thôn đề nghị Công ty Cổ phần Rau câu Sơn Hải cần trực tiếp thu mua rong sụn, giúp ổn định đầu ra và tránh việc bị thương lái ép giá…