Nguyên nhân
Thức ăn thừa: Trong quá trình cho tôm ăn, phần lớn thức ăn dư thừa và lắng đọng xuống đáy ao, thức ăn nhiều đạm tích tụ, hòa vào nước làm tiêu tốn oxy và xuất hiện nhiều khí độc trong ao nuôi.
Chất thải từ tôm: Thông thường tôm chỉ hấp thụ hết khoảng 30% thức ăn, còn lại sẽ chuyển hóa thành chất thải và bài tiết vào nước. Đây là nguyên nhân số một sản sinh ra khí độc trong ao. Tôm càng lớn, càng ăn nhiều và đào thải ra càng nhiều. Dẫn đến lượng khí độc ngày càng cao.
Mưa cũng làm cho khí độc có điều kiện tiếp xúc với tôm.
Do thiết kế của ao nuôi tôm: Nhiều ao có thiết kế hình ống xương nhô cao hơn bề mặt bạt làm cản trở việc thoát thức ăn thừa ra rún ao. Ngoài ra, thiết kế và vị trí đặt dàn quạt trong ao chưa hợp lý, chưa phát huy tác dụng gom phân thừa nhanh nhất dẫn đến tích tụ chất thải dưới đáy ao, lâu ngày sinh khí độc.
Nguyên nhân từ nguồn nước: Nguồn nước cấp vào ao nuôi bị ô nhiễm, chứa xác thực vật, xác động vật phân hủy, phân bón dư thừa từ các ruộng hoa màu như Urê, NPK cũng là một nguyên nhân sinh khí độc trong ao.
Ngoài ra, ao nuôi trên cát lót bạt trong thời gian nuôi, bùn và nước từ ao rò rỉ vào đáy cát, gây ra quá trình phân hủy yếm khí tại đây, sinh ra H2S. Từ đó H2S thẩm thấu ngược từ cát vào ao nuôi.
Ao nuôi trên nền đất phèn có pH đáy thấp, khi lượng chất hữu cơ trong nước tăng cũng góp phần tạo ra H2S.
Xác tảo tàn, xác phiêu sinh vật, côn trùng, vỏ tôm phân hủy cũng là một trong những nguyên nhân sinh ra khí độc. Ảnh: shrimp-forum.com
Gây bất lợi cho ao nuôi như thế nào?
Ao tôm khi nuôi khoảng 1 tháng thì bắt đầu có khí độc NH3, NO2 do thức ăn dư thừa, phân tôm, bùn sìn, tảo tàn. Lượng khí độc càng ngày càng tăng do tôm càng lớn càng ăn nhiều và thải nhiều hơn.
Ao khí độc nhiều sẽ làm tôm bị ngạt, gây thiếu oxy vào ban đêm, tác động xấu đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm, tôm khó về size lớn.
Bên cạnh đó, lượng khí độc cao sẽ làm giảm hệ miễn dịch của tôm, khiến tôm dễ mắc các bệnh như cong thân, EMS, hội chứng gan tụy cấp, đỏ thân, hoại tử cơ, phân trắng, đen mang,… Tôm bị nhiễm khí độc sẽ thường nổi đầu, bơi lờ đờ trên mặt nước, tấp mé, tỷ lệ rớt đáy cao, dễ nhiễm bệnh và chết.
Cách phòng và xử lý
Kiểm soát lượng thức ăn: Cho ăn 80% sức ăn của tôm để hạn chế dư thừa thức ăn và giảm lượng chất thải.
Sử dụng yucca: Mặc dù có khả năng hấp thụ được khí độc NH3 nhưng yucca chỉ hiệu quả tạm thời, giá thành cao và chất lượng không ổn định.
Dùng mật đường để cân bằng hệ số C,N: Mật vừa làm giảm pH (độc tính NH3 giảm khi pH thấp) vừa là nguồn thức ăn cho vi sinh phát triển, tăng sinh khối.
Thay nước và siphon đáy ao, biện pháp cơ học giúp loại bỏ chất thải tích tụ dưới đáy ao
Sử dụng chế phẩm vi sinh thường xuyên: Việc bổ sung vi sinh vật (bao gồm cả chủng hiếu khí và yếm khí) hàng ngày ngay từ đầu vụ nuôi là biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát chất thải. Trong ao bạt, dù có siphon thay nước nhưng vi sinh vẫn cần được bổ sung liên tục. Trong khi ao đất hầu như ít có siphong và có ao lắng để thay nước nhưng 3,4 ngày mới đánh vi sinh. Như vậy hiệu quả của vi sinh sẽ không cao.
Nhiều người nuôi cứ nghĩ tôm nhỏ không ăn nhiều, chất thải ít nên không cần xài vi sinh mỗi ngày, quan niệm này chưa chính xác lắm. Việc xử lý chất thải triệt để ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn so với khi khí độc đã tích tụ ở mức cao, lúc này xử lý sẽ khó khăn và tốn kém hơn.
Xử lý NO2: Khi tới NO2 thì phải cần dòng nitro và nhiều oxi để chuyển NO2 thành NO3 ít độc. Dòng nitro trong ao có sẵn nhưng cần thời gian, giá thể, oxi để chúng hoạt động hiệu quả. Cách tốt nhất xử NO2 vẫn là thay nước, tăng cường oxi, rải thêm oxi viên. Muối hột vài chục kí khu xung quanh đường rúng để giảm độc tố NO2.