Theo ước tính, hàng năm nhu cầu giống trên địa bàn tỉnh từ 100-120 triệu con các loại, trong đó giống cá truyền thống chiếm 65-70%, giống mới chiếm 30-35%. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 9 cơ sở sản xuất, ương nuôi giống thủy sản và 11 khu ương nuôi giống thủy sản với diện tích trên 300ha… Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Chi cục đã chủ động được nguồn giống cá truyền thống cung ứng cho người nuôi trên địa bàn tỉnh. Đối với các đối tượng giống mới (cá chép lai, cá rô phi, các đối tượng thủy sản đặc sản…) hiện nay, các cơ sở đã và đang tiến hành sản xuất, ương nuôi để đáp ứng nhu cầu ngay từ đầu vụ. Để chủ động nguồn giống cung ứng cho người nuôi kịp thời vụ sản xuất, Chi cục Thủy sản đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, ương nuôi trên địa bàn tỉnh chủ động xác định nhu cầu giống, xây dựng kế hoạch sản xuất cung ứng, tập trung chăm sóc, nuôi vỗ, tuyển chọn đàn cá bố mẹ đưa vào sản xuất ngay từ đầu năm; đôn đốc, tổng hợp nhu cầu giống của các địa phương, chỉ đạo các địa phương chủ động trong lựa chọn các cơ sở sản xuất, ương nuôi giống thủy sản uy tín chất lượng để kịp thời cung ứng phục vụ người nuôi và thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn đảm bảo kịp thời vụ. Bên cạnh đó, Chi cục cũng tích cực cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con tăng diện tích nuôi thâm canh, tăng mật độ nuôi, nuôi quảng canh theo phương pháp mới, nhân rộng số cá lồng… nhằm tăng sản lượng thủy sản của toàn tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi khuyến khích người nuôi ở ven các sông Đà, Lô, Hồng, Bứa… nên phát triển nuôi cá lồng theo phương pháp mới. Nếu nuôi thâm canh tốt, mỗi lồng có thể cho thu hoạch 7 – 8 tấn, góp phần đáng kể vào việc tăng sản lượng thủy sản của tỉnh.
Năm 2014, ngành thủy sản phấn đấu đạt chỉ tiêu: Diện tích 9.930 ha, tổng sản lượng đạt 29,2 ngàn tấn, chỉ đạo tăng tỷ lệ giống mới trong cơ cấu giống nuôi lên 35%. Mặc dù diện tích mặt nước lớn, thuận tiện cho việc nuôi thủy sản nhưng đa phần vẫn ở quy mô vừa và nhỏ. Hình thức trang trại, đặc biệt là trang trại chuyên thủy sản còn ít. Toàn tỉnh hiện có 68 trang trại nuôi thủy sản trong đó chỉ có 22 trang trại chuyên về thủy sản còn lại là các trang trại tổng hợp. Nhìn chung, các trang trại này đều có năng suất đạt từ 5,5–6 tấn/ha/năm; doanh thu khoảng 170 – 180 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân đạt khoảng trên 70 triệu đồng/năm. Việc nuôi thủy sản theo hình thức trang trại có nhiều điều kiện thuận lợi như: Có thể chủ động về giống do đặt trước các nơi nuôi ương; có nhiều ao nuôi nên thuận tiện trong việc lựa chọn giống, hình thức nuôi, thâm canh, gối vụ nên sản phẩm đa dạng, thời gian thu hoạch rộng không bị ép giá. Bên cạnh đó, loại hình trang trại còn được ưu đãi do được thụ hưởng một số chính sách ưu đãi của tỉnh, thuận tiện trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh…
Để đảm bảo việc cung ứng giống thủy sản đầy đủ hơn cho nhu cầu của thị trường, Chi cục đang tập trung mọi nguồn lực để sớm hoàn thiện trại giống thủy sản ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê và đi vào sản xuất. Mặc dù trại giống mới sẽ góp phần đáp ứng phần nào nhu cầu về giống cho thị trường nhưng không thể đảm bảo cung cấp đủ lượng giống cần thiết, đặc biệt là đối với các hộ nuôi chuyên canh, thâm canh. Vì vậy, người nuôi thủy sản khi mua giống ở các địa phương khác cần chú ý lựa chọn con giống đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, sạch bệnh, đồng thời ứng dụng tốt các tiến bộ mới vào sản xuất mới có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao.