Tuy nhiên, để phát triển bền vững, chỉ nên mở rộng hợp lý diện tích nuôi tôm chân trắng theo mô hình thâm canh và bán thâm canh. Và ngay từ đầu, rất cần quan tâm đến đến hiệu quả của cả chuỗi sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, chủ động cân đối cung-cầu thị trường, không chỉ quan tâm đến tăng sản lượng bằng mọi giá.
Nuôi tôm chân trắng – nguyện vọng chính đáng
Tôm chân trắng (TCT) được một số doanh nghiệp tiên tiến mang giống vào Việt Nam từ rất sớm, sớm hơn Thái Lan nhiều năm, nhưng việc triển khai nuôi đại trà lại chậm, chậm đau đớn so với người láng giềng. Sau nhiều năm cân nhắc, đắn đo, với sự ngần ngại, e dè của một số lãnh đạo Bộ Thủy sản và các thủ tục chậm chạp của hệ thống hành chính, TCT mới được chấp thuận chính thức cho di nhập để khảo nghiệm nuôi thương phẩm ở Việt Nam từ đầu những năm 2000, ban đầu chỉ cho nuôi ở các tỉnh miền Bắc.
Nhưng, với những ưu điểm nổi trội về tốc độ sinh trưởng, tính thích nghi với điều kiện môi trường, hệ số thức ăn thấp, công nghệ khép kín vòng đời tạo đàn tôm bố mẹ sạch bệnh,... nên diện tích và sản lượng nuôi TCT đã tăng lên nhanh chóng, trở thành đối tượng quan trọng bên cạnh tôm sú. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, khi hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS), hay còn gọi là hội chứng chết sớm (EMS) hoành hành ở nhiều nước sản xuất tôm chính như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam,… thì TCT thực sự đã là cứu cánh, cả cho người nuôi tôm, lẫn ngành chế biến tôm XK của nước ta.
Nếu đến năm 2009, diện tích nuôi TCT vẫn chủ yếu tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung, thì đến nay TCT đã được nuôi rộng khắp trên cả nước. Năm 2012 tổng diện tích nuôi TCT đạt 38.169 ha, tăng 15,5%, sản lượng 177.817 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, các tỉnh ĐBSCL chiếm đến 50% tổng diện tích nuôi, tương đương hơn 15.700 ha. Mặc dù TCT chỉ chiếm 6% về diện tích nuôi nhưng lại chiếm đến 38% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước với năng suất trung bình đạt 4,0 – 4,5 tấn ha, cao hơn nhiều so với tôm sú, dẫn tới sự thay đổi nhanh chóng của cơ cấu sản phẩm tôm XK. Trong 6 tháng đầu năm 2013, XK TCT chiếm 41,3% giá trị XK tôm cả nước, gần bằng tỷ trọng tôm sú (50,8%). Dự báo năm nay, tỷ trọng TCT sẽ vượt tôm sú.
Với nhiều ưu điểm vượt trội, TCT nhanh chóng chiếm được cảm tình và trở thành lựa chọn của ngày càng nhiều người nuôi tôm. Tuy nhiên, cho đến nay, TCT vẫn là đối tượng nuôi hạn chế theo những điều kiện đã quy định (Chỉ thị 228/CT-BNNNTTS ngày 25/01/2008 về việc phát triển nuôi tôm chân trắng và Quyết tômđịnh số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04/02/2008 v/v ban hành một số quy định về điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng).
Mong muốn được mở rộng diện tích nuôi TCT với những mô hình, qui trình kỹ thuật nuôi tiên tiến, thích hợp đang là nguyện vọng của người nuôi đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước.
Cho đến nay, lý do cơ bản để hạn chế nuôi TCT, là vì đây là loài “ngoại lai”, nên vẫn có ý kiến e ngại rằng việc mở rộng nuôi đại trà thiếu kiểm soát sẽ tiềm ẩn những nguy cơ như lây lan dịch bệnh Taura cho tôm sú và các loài bản địa khác, hiện tượng tạp giao làm biến đổi nguồn gen, cạnh tranh môi trường sống, thức ăn, hủy hoại môi trường. Mặc dù cho đến nay, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào mang lại câu trả lời thỏa đáng, nhưng theo các kết quả nghiên cứu của Thái Lan thì một số nguy cơ đó là có thật. Do đó, Thái Lan chỉ cho phép nuôi TCT với mô hình nuôi thâm canh và quản lý rất chặt chẽ. Đây là điều ngành tôm Việt Nam nên tham khảo.
Gần đây, một số hộ nông dân tự ý nuôi xen TCT với tôm sú hoặc nuôi TCT theo mô hình quảng canh cải tiến. Điều này thật sự gây lo ngại, bởi chứa đựng nhiều nguy cơ rủi ro, cần được ngăn chặn. Nhưng mặt khác, các cơ quan quản lý và nghiên cứu cũng cần nhanh chóng vào cuộc, nghiên cứu để đưa ra khuyến nghị, điều chỉnh thật sự thuyết phục, kèm theo những hướng dẫn, chỉ đạo rõ ràng để người dân thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng, phát biểu: “Nếu được phép nuôi TCT ngay từ ban đầu thì có lẽ tôi đã không nghèo như bây giờ. Quản lý thì chúng ta phải quản lý thật tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhạy bén, linh động và kịp thời nắm bắt vấn đề, thấy được xu thế phát triển. Lẽ ra ngay từ đầu chúng ta phát triển nuôi TCT cùng với đầu tư nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phòng chống, điều trị bệnh nếu TCT có lây cho tôm sú, thì ngược lại, chúng ta không làm gì cả. Chúng ta cứ lo sợ quản lý không nổi rồi nghiêm cấm, triệt tiêu và hậu quả là người nông dân phải lãnh đủ”.
Chỉ nuôi TCT từ bán thâm canh đến thâm canh cao
Mấu chốt của vấn đề phát triển bền vững ngành tôm chính là khâu quản lý. Chỉ có khi nào quản lý tốt thì ngành tôm mới có cơ hội phát triển bền vững. Tại Hội thảo “Định hướng chiến lược nuôi tôm nước lợ bền vững tại Việt Nam” tổ chức ngày 05/08/2013 tại Bạc Liêu, nhiều đại biểu đã phát biểu xung quanh vấn đề này.
“Vai trò và các ưu điểm của TCT thì ai cũng rõ. Việc chuyển từ nuôi tôm sú sang TCT là rất cần thiết, nhưng chỉ được nuôi với hình thức thâm canh hoặc bán thâm canh. Việc nuôi TCT quảng canh hay quảng canh cải tiến là không nên bởi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Đó là điều phải cấm và phải quản lý thật chặt chẽ. Bên cạnh đó, ngành tôm nên duy trì và mở rộng các mô hình tôm rừng, tôm-lúa đối với tôm sú, vì đây là những mô hình mang tính bền vững và hiệu quả cao”- TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS 2, đề xuất.
Hoàn toàn tán đồng với ý kiến trên, TS Bùi Quang Tề, chuyên gia bệnh học thủy sản, trình bày quan điểm: “Việc lây lan dịch bệnh hoàn toàn không đáng để chúng ta lo ngại, vì trên thực tế, chúng tôi thấy rất khó gây nhiễm hội chứng Taura trên tôm sú. Bệnh Taura chưa ảnh hưởng đến các loài bản địa, nhưng để đảm bảo quản lý an toàn, chúng ta chỉ nên chuyển đổi sang TCT từ mô hình bán thâm canh trở lên mà thôi. Hơn nữa, chỉ với vài chục nghìn hecta, sản lượng TCT đã rất khá, nay chỉ cần chuyển thêm một ít nữa là sản lượng đã có thể bằng hoặc thậm chí vượt qua tôm sú rồi”.
“Vua tôm” Sáu Ngoãn, tỉnh Bạc Liêu, đề xuất thêm: “Khi dịch bệnh hoành hành trên tôm sú, con TCT lên ngôi thì không có lý do gì để chúng ta kìm hãm, hạn chế đối tượng này, nhưng TCT không phải là tất cả, không phải là lựa chọn duy nhất. Bên cạnh tôm sú, TCT, chúng ta còn có rất nhiều đối tượng nuôi có giá trị và có tiềm năng phát triển khác, như tôm he Nhật Bản, tôm đất, tôm càng,... Theo tôi, phát triển nuôi TCT với diện tích, mô hình nuôi thích hợp, cùng với đa dạng hóa đối tượng nuôi là hướng đi mà ngành thủy sản nên thực hiện để phát triển bền vững, vượt qua khó khăn”.