Trong nuôi tôm công nghiệp thâm canh công nghệ cao, siêu thâm canh, thường nuôi mật độ cao. Lượng thức ăn thừa, phân tôm, xác tôm chết, xác tảo tàn, chất lơ lửng, phù sa lắng tụ...rất nhiều, được gọi chung là chất hữu cơ. Khi những chất hữu cơ trên chìm lắng xuống đáy ao nuôi, do hệ thống quạt nước trong ao, được bố trí khi vận hành tạo vòng xoáy tròn nước trong ao, và nền đáy ao có xu hướng nghiêng từ bờ về giữa ao…
Với thiết kế ao và lắp đặt hệ thống như trên, sẽ gom chất hữu cơ về hố siphon giữa ao. Hố siphon có hình chóp, hình nón, thiết kế hố đủ rộng để gom chất thải. Thường đường kính (miệng hố) Ꝋ 30 - > 50 cm, tuỳ thuộc diện tích ao nuôi. Miệng hố nằm sát đáy ao, từ miệng hố đến đáy hố (phần chóp) cách nhau 40 – 50 cm.
Các chất hữu cơ, khi tích tụ đáy ao tại hố siphon, quá trình tích tụ sẽ gia tăng theo thời gian nuôi, trọng lượng tôm, size tôm, số lần cho ăn, mật độ thả nuôi… Khi có ánh sáng mặt trời gia tăng cường độ chiếu sáng, nhiệt độ nước ao nuôi tăng cao, quá trình phân huỷ hữu cơ sẽ diễn ra mạnh mẽ, liên tục.
Tích lũy vật chất hữu cơ dẫn đến ngộ độc cho tôm cá. Ảnh: Tepbac
Sản phẩm của quá trình phân huỷ làm oxy trong ao giảm thấp, sinh ra các loại khí độc trong ao như NH3, H2S, NO2. Những loại khí độc này tác động xấu đối với tôm nuôi, và càng nguy hiểm hơn cho tôm, khi ao có pH cao trên 8.2.
Nếu pH từ mức trên càng tăng, nhất là thời điểm 11g trưa đến 16g chiều, sẽ sinh ra nhiều NH3 là nguyên liệu chính để sinh khí NO2, theo chu trình ni tơ tự nhiên trong ao nuôi.
NH3 sinh ra càng nhiều > 0,1 mg/lít, theo chiều tăng cao của pH trong ao, NO2 theo đó hàm lượng cũng tăng dần khi nguồn NH3 dồi dào.
NO2 rất độc đối với tôm, trong ao khi NO2 vượt ngưỡng, > 0,02 mg/lít, thấy tôm xuất hiện cả ban ngày, bơi lội trên mặt nước, dọc mé bờ, nổi đầu sáng sớm, chiều mát. Thời điểm trên, NO2 kết hợp với Hemocyanin trong máu tôm, tạo thành Mehemoglobin, làm mất khả năng vận chuyển oxy trong máu, từ đó khiến tôm nuôi bị thiếu oxy. Tôm giảm ăn từ từ đến bỏ ăn, thời gian canh vó kéo dài. Tôm khó lột xác, lột xác dính vỏ, vỏ lâu cứng, tôm tăng trưởng chậm, xuất hiện tôm chết trong vó, nền đáy nơi hố siphon tôm chết rớt cục thịt.
Trong môi trường nuôi tôm thẻ chân trắng độ mặn thấp, việc chênh áp suất thẩm thấu giữa cơ thể tôm và môi trường gây rối loạn cân bằng, khi đó sự cạnh tranh giữa hai ion NO2- và Cl-, tôm khó lột xác, lột xác bị mềm vỏ, chậm lớn, chết rớt cục thịt ở đáy ao... Đây là thời điểm để ngoại ký sinh, vi khuẩn tấn công, phá huỷ tổ chức mang, tôm mất khả năng trao đổi oxy, gây bệnh…khiến tôm chết hàng loạt.
Ao cần thiết kế hệ thống hố siphon hiệu quả. Ảnh: Tepbac
Siphon loại bỏ chất thải là công việc quan trong cần thực hiện thường xuyên trong nuôi tôm công nghiệp thâm canh công nghệ cao, siêu thâm canh. Số lần siphon, thời gian siphon, thời điểm siphon và kinh nghiệm của người nuôi tôm khi siphon, ảnh hưởng đến chất lượng nước trong ao.
Tôm nuôi trong tháng đầu, chất hữu cơ chưa nhiều, có thể siphon 1 – 2 lần/ngày, mỗi lần siphon 1 – 1,5 giờ, hút loại bỏ chất hữu cơ trong hố, quanh miệng hố. Từ tháng nuôi thứ 2 trở đi, lượng chất hữu cơ tích tụ tại hố siphon rất nhiều, hàng giờ trong ngày, do vậy, chất lượng nước liên tục biến động và khí độc có nguy cơ vượt ngưỡng bất cứ thời điểm nào trong ngày. Việc siphon lúc này tăng 3 – 4 lần/ngày, thời gian siphon trung bình 2 – 2,5 giờ. Thường sau khi cho tôm ăn 30 phút đến 1 giờ, tiến hành siphon. Ngoài siphon trực tiếp, việc thiết kế thêm hệ thống siphon tự động rất cần thiết đối với những ao mật độ nuôi cao, tôm đậu nhiều.
Chủ động siphon, loại bỏ chất hữu cơ, hạn chế khí độc, phòng bệnh từ xa rất quan trọng trong quá trình nuôi tôm công nghiệp. Ngoài việc tiết kiệm chi phí mua thuốc, chủ động siphon tạo môi trường sạch để tôm phát triển, tăng trưởng nhanh, bảo toàn tỷ lệ sống, FCR cải thiện rất nhiều.